*

*

Giới thiệu chungBộ máy tổ chứcVăn bảnNghĩa tình đồng độiGiáo dục truyền thốngVăn hóa nghệ thuậtCải cách hành chính

*

*

*

*

*

*

*

*

Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam tập trung được thành lập khi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam nước ta. Chiến trường chính, nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực hai bên là miền Đông Nam Bộ. Nơi đây, địch gom dân, kềm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu trở nên cực kỳ khó khăn, cấp bách. Không thể sử dụng dân công thông thường, vì chiến trường chính của lực lượng chủ lực bấy giờ đòi hỏi một lực lượng phục vụ thật đặc biệt, rất cơ động linh hoạt, sát cánh với bộ đội như bóng với hình trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh.

Đang xem: Phong trào “5 xung phong” của đoàn viên thanh niên miền nam được phát động trong dịp nào?

Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, được sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất, tháng 3 năm 1965, đã phát động phong trào “5 xung phong”, trong đó có xung phong đi dân công phục vụ chiến đấu. Lúc bấy giờ ở các tỉnh, thành đều có tổ chức thanh niên xung phong đi phục vụ chiến trường tại địa phương.
Ngày 20 tháng 4 năm 1965, Đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam đầu tiên làm lễ xuất quân với 108 nam, nữ cán bộ, đoàn viên, thanh niên rút từ các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, nòng cốt là cơ quan Trung ương Đoàn. Tiếp theo đó, từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, từ đồng bằng sông Cửu Long, từng đoàn thanh niên xung phong đã vượt sông suối, núi rừng, vừa hành quân vừa đánh địch, lần lượt tập trung về R. Mười một đội, mỗi đội có quân số tương đương một đại đội, nhanh chóng được thành lập. Về sau, từ các đội đã hình thành ba liên đội 5, 7, 9 sát cánh phục vụ ba Sư đoàn chủ lực 5, 7, 9.
Vừa xuất quân, thanh niên xung phong đã phục vụ có hiệu quả trong các trận đánh Mỹ nổi tiếng: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang – Nhà Đỏ… Ngay từ buổi đầu, thanh niên xung phong rất được bộ đội yêu mến, tin cậy. Trước các trận đánh, thanh niên xung phong đi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về hậu cần. Trong các trận đánh, thanh niên xung phong sát cánh với bộ đội, cùng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khiêng chuyển thương binh ra tuyến sau. Sau trận đánh, thanh niên xung phong vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh. Trên đường về hậu cứ, trong mưa bom lửa đạn, có biết bao trường hợp thanh niên xung phong đã lấy thân mình che chở cho thương binh, quyết không để anh em bị thương lần thứ hai. Đoàn Thị Liên, người con gái tỉnh Bình Dương, đội Phú Lợi căm thù, là một trong nhiều tấm gương tiêu biểu của thanh niên xung phong dũng cảm hy sinh, lấy thân mình che chở cho thương binh.

Xem thêm:

Thanh niên xung phong được bộ đội tặng biệt danh là lực lượng có “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Với chân đồng, vai sắt, thanh niên xung phong khiêng thương, tải lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược, đi trên nhiều đoạn đường dài nguy hiểm, bất chấp bom đạn, gió mưa đêm tối, mắt đăm đăm nhìn thẳng về phía trước như mắt ngựa. Với cái “bụng thần tiên”, thanh niên xung phong dù ăn uống thanh đạm, kham khổ, thiếu thốn, lắm lúc đói cơm lạt muối, vẫn phục vụ hết mình. Nhiều trường hợp thanh niên xung phong thay thương binh cầm súng hoặc cướp vũ khí của địch diệt địch, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá hủy xe tăng, bắn rơi máy bay địch.
Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam là một trong những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc.

Xem thêm:

Lê Quang Thành
(Trích: Thanh niên xung phong Việt Nam – 60 năm làm theo lời Bác dạy)
Tác giả Lê Quang Thành: Nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *